Cây khúng khéng – Vị thuốc giải độc bảo vệ gan hiệu quả

Cây khúng khéng hay còn gọi cây chỉ cụ là một loại cây thân gỗ, thường mọc hoang trong rừng và trên nương rẫy ở các tỉnh miền núi phía Bắc chủ yếu ở Lạng Sơn, Cao Bằng nên ít người biết đến nó. Ngoài mọc hoang, cây khúng khéng cũng được trồng bằng hạt hoặc giâm cành để làm thuốc bởi cây chứa những hoạt chất với công dụng tuyệt vời giúp thanh nhiệt, giải độc, bồi bổ chức năng gan và đặc biệt là giải độc rượu bia rất hiệu quả.

CÂY KHÚNG KHÉNG – VỊ THUỐC GIẢI ĐỘC BẢO VỆ GAN HIỆU QUẢ

Cây khúng khéng hay còn gọi cây chỉ cụ là một loại cây thân gỗ, thường mọc hoang trong rừng và trên nương rẫy ở các tỉnh miền núi phía Bắc chủ yếu ở Lạng Sơn, Cao Bằng nên ít người biết đến nó. Ngoài mọc hoang, cây khúng khéng cũng được trồng bằng hạt hoặc giâm cành để làm thuốc bởi cây chứa những hoạt chất với công dụng tuyệt vời giúp thanh nhiệt, giải độc, bồi bổ chức năng gan và đặc biệt là giải độc rượu bia rất hiệu quả.

 

Mô tả dược liệu

Cây Khúng Khéng hay còn gọi là cây chỉ cụ có tên khoa học là Hovenia dulcis Thunb, thuộc họ Táo ta (Rhamnaceae). Là loại cây thân gỗ sống lâu năm, cao tới 10 – 15m. Vỏ thân màu nâu xám, cành non có lông và lỗ vỏ. Lá mọc so le, hình trứng, dài 10 – 15cm, rộng 5 – 9cm, đầu nhọn, gốc lá tròn, mặt dưới lá nhẵn hay có lông trên các gân, mép khía răng cưa, cuống lá dài 3 – 5cm. Cụm hoa là xim ngắn ở nách lá hoặc đầu cành. Hoa màu trắng hay lục nhạt, đường kính 6 – 8mm, có cuống. Quả hạch, gần hình cầu, đường kính 6,5 – 7,5mm, đính trên cuống cụm quả nạc, phồng to, màu nâu, vị ngọt. Hạt tròn dẹt, đường kính 5 – 5,5mm, màu nâu bóng (gọi là chỉ cụ tử). Mùa hoa tháng 5 – 6, quả tháng 9 – 10.

Phân bố: Cây phát triển chủ yếu ở khu vực cận nhiệt đới Châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và khu vực cận Himalaya của Ấn Độ. Ở nước ta, cây này mọc hoang trong rừng thưa và trên nương rẫy ở các tỉnh miền núi phía Bắc, chủ yếu ở Lạng Sơn, Cao Bằng và cũng được trồng bằng hạt hoặc giâm cành.

Bộ phận dùng: Hạt quả và cuống quả Khúng Khéng

Thu hái và bào chế: Thu hái quả vào tháng 10-11 khi quả chín, đem về phơi khô, đập lấy hạt dùng.Tránh phơi nắng to và sấy ở nhiệt độ cao để bảo đảm màu sắc và phẩm chất dược liệu.

Thành phần hóa học: Nhiều công trình nghiên cứu đã chứng minh cuống cụm quả khúng khéng có chứa đường glucose (11,14%), fructose (4,74%), sucrose (12,39%) và các nhóm chất flavonoid, alcaloid và saponin. Từ quả và hạt khúng khéng đã phân lập được ba chất dihydroflavonol mới là hovenitin I, II, III và 4 chất flavonoid đã biết là (+) (-) ampelopsin laricetrin, myricetin và (+) (-) gallocatechin. Giá trị dinh dưỡng của khúng khéng thể hiện ở các chất đường, Protein và các vitamin B1, B2, C, caroten, các muối khoáng K, Na, Ca, Mg và Fe.

Tác dụng dược lý của cây Khúng khéng

Tác dụng bảo vệ gan, giải độc rượu

Năm 2010, nghiên cứu của Du J và các cộng sự cho thấy, dịch chiết từ hạt của cây Khúng khéng có tác dụng bảo vệ gan thông qua việc làm giảm đáng kể hoạt độ men AST và ALT, tăng cường hoạt tính của các enzym chống oxy hóa như superoxide dismutase glutathione S – transferase, glutathione tạo điều kiện cho quá trình chuyển hóa rượu. Ngoài ra theo một nghiên cứu khác, hoạt chất dihydromyricetin (ampelopsin) có nhiều trong dược liệu khúng khéng có tác dụng bảo vệ gan trước các tác nhân gây độc như carbon tetrachloride, D-galactosamine/lipopolysaccharide và rượu trong các mô hình gây độc gan cấp hoặc mạn.

Tác dụng chống oxy hóa

Theo một nghiên cứu của Viện Sinh học và Công nghệ Sinh học Hàn Quốc, cắn phân đoạn ethyl acetat thu được từ dịch chiết methanol của loài Hovenia dulcis Thunb ( cây Khúng khéng) cho thấy khả năng bảo vệ hệ thần kinh khỏi tác nhân gây độc glutamat nhờ tác dụng dọn dẹp gốc tự do của chúng.

Tác dụng tăng cường miễn dịch

Theo một nghiên cứu invitro đánh giá khả năng tăng cường miễn dịch, các polysaccharid trong cuống quả loài Hovenia dulcis bao gồm rhamnose, arabinose, galactose và acid galacturonic có khả năng làm tăng cường đáng kể hoạt động thực bào, sản xuất oxit nitric và hoạt động acid phosphatase của các đại thực bào phúc mạc.

Tác dụng hạ đường huyết

Theo một nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Dược liệu Trung Quốc năm 2002 cho thấy, dịch chiết của loài Hovenia dulcis có tác dụng hạ đường huyết khi sử dụng mô hình gây tiểu đường bởi alloxan.

Tác dụng chống dị ứng

Bốn hợp chất saponin bao gồm hovenidulcioside A1, A2, B1, B2 được phân lập từ quả và hạt của loài Hovenia dulcis thu hái tại Trung Quốc đã được chứng minh có tác dụng ức chế sự giải phóng histamin (tác nhân gây dị ứng) từ tế bào màng bụng của chuột.

Vị thuốc Khúng khéng (Chỉ cụ tử)

Theo Đông y, cuống cụm quả khúng khéng có vị ngọt, tính bình, có tác dụng chỉ khát, cầm nôn, thanh nhiệt, giải độc, mát gan, lợi tiểu và giải độc rượu. Dùng cho người có chức năng gan kém, mắc các bệnh về gan (viêm gan, gan nhiễm mỡ, xơ gan), vàng da, chán ăn, táo bón. Ngoài ra, đối với trẻ em dùng hạt khúng khéng còn giúp chống dị ứng, mẩn ngứa, phát ban, nổi mề đay. Hỗ trợ làm giảm các triệu chứng nhiệt miệng, lưỡi, trứng cá, rôm sảy, mồ hôi trôm. Giúp hạn chế hại gan do dùng kháng sinh kéo dài, thuốc hạ sốt, giảm đau có chứa Paracetamol…

Cách sử dụng quả khúng khéng (chỉ cụ) làm thuốc

Dùng sắc uống

Chuẩn bị: Cuống quả và quả chỉ cụ phơi khô 5g, nước sôi 500ml, bình giữ nhiệt 01 bình.

Cách dùng: Vị thuốc đem rửa sạch, sau đó bỏ vào bình giữ nhiệt, đổ 500ml nước sôi vào bình và đậy kín sau đó ủ trong thời gian khoảng 30 phút cho ngấm là dùng được. Ngoài cách này có thể đun với khoảng 600ml nước sạch, đun sôi để nguội lấy nước uống trong ngày.

Dùng ngâm rượu

Chuẩn bị: Quả và cuống quả khô 500g, 4 lít rượu gạo loại 35 độ, 01 bình thủy tinh loại 7 lít

Cách dùng: Quả đã phơi khô không phải chế biến gì thêm, bỏ vào bình thủy tinh, đổ ngập rượu sau đó ngâm trong thời gian khoảng 1 tháng trở lên là có thể uống được. Mỗi ngày uống khoảng 1-2 ly rượu nhỏ, nên uống trong bữa ăn là tốt nhất.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *